Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Xuân trong ánh đạo.



mai.jpg
Chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại đầy sự hướng ngoại, vong bản, bị cuốn hút theo cuộc sống vật chất với xu hướng hưởng thụ ngày càng cao, đầy những cám dỗ nên sự đau khổ về tinh thần ngày càng sâu sắc. Hiện nay, ở các nước văn minh, tình trạng căng thẳng (stress) do áp lực công việc ngày càng phổ biến. Ảnh hưởng của nền văn minh đó tác động đến các nước Á Đông, vốn là các nước của những nền văn minh lúa nước cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng bôn ba, tất bật chạy đua với thời gian trong cuộc sống mưu sinh. Vì vậy, đề cao và phát huy những nét văn hóa tâm linh truyền thống của gia đình, của dân tộc là một khuynh hướng “về nguồn”, sự sum họp tinh thần trong năng lượng của tình thương để giảm tải những bế tắc trong cuộc sống vật chất là điều rất cấp thiết. Chính những ngày Tết cổ truyền này là dịp để chúng ta vun bồi, giữ gìn nét truyền thống tâm linh và thăng hoa hơn trong cuộc sống hiện đại này.
Thế giới vật chất càng phát triển mạnh, con người càng hướng ngoại, quay cuồng trong khổ não. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Tam Tổ Huyền Quang…, rất nhiều vị ở tuyệt đỉnh danh lợi nhưng các ngài  không tìm thấy niềm vui chân thật trong đời sống vương giả mà dám từ bỏ địa vị để ra đi tìm đạo, học đạo và tu đạo. Rõ ràng, đạo lý là cái có thể đem đến hạnh phúc chân thật, an vui, tự tại hơn những vinh hoa phù phiếm bên ngoài. Hiểu được vậy, chúng ta không đắm nhiễm vào những trụy lạc của đời sống hưởng thụ mà biết hướng đến đạo lý để gìn giữ bản chất tinh khôi trong chính mình.
Năm cũ qua đi, chào đón một năm mới với biết bao mơ ước, hy vọng về một chân trời mới, một cuộc sống an vui hạnh phúc. Ai cũng cố công đi tìm hạnh phúc cho mình, nhưng mấy ai biết được hạnh phúc chân thật là gì, đôi khi lại tự mình chuốc lấy đau khổ. Hạnh phúc vĩnh hằng là sự tự do bình yên nội tại, sự tĩnh lặng nơi tâm thức, không bị khuấy động bởi những tranh đua, nhiễu nhương của cuộc đời. Hạnh phúc đó, chính là mùa xuân vĩnh cửu, mùa xuân trong ánh đạo huy hoàng, mùa xuân của người giác ngộ mãi mãi không phôi phai và không có bóng dáng khổ đau.
Tất cả chúng ta đang trưởng thành trong gia tài văn hóa tâm linh của dân tộc, cũng chính là gia tài văn hóa tâm linh của Đạo Phật, được tô đậm từ hơn hai ngàn năm lịch sử. Gia tài đó sẵn có trong mỗi chúng ta, chỉ cần nhìn kỹ để thấy rõ rồi đem ra dùng, như vua Trần Nhân Tông đã nói:
          “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
          Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.
Tu là con đường để trở về “làm giàu” bằng chính gia tài có sẵn trong mình, hướng đến mục đích duy nhất là viễn ly sinh tử. Cái giàu không phải nơi đầy đủ tiện nghi vật chất, mà giàu sự an tịnh trong tâm hồn, hoàn toàn không còn bóng dáng khổ đau. Chư Phật đã nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Phật tri kiến, có bản tâm thanh tịnh thường nhiên, nhưng vì mê chấp mà lăn lóc trong ba cõi sáu đường, trầm luân sinh tử. Chỉ khi nhận được mình có viên ngọc trong chéo áo, đem ra dùng thì liền giàu có. Cái giàu này không thể đem cái giàu của thế gian mà so sánh. Bởi vật chất thế gian là vô thường huyễn hóa, của cải đó là nước trôi, lửa cháy, vua quan cướp giựt, có đó liền mất, không gì bền chắc, chỉ có “hòn ngọc như ý” trong chúng ta là thường hằng bất biến.
Thiền sư Mãn Giác đã nói:
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.”
Bên cạnh cái tàn phai vô thường của thân-tâm-cảnh, vẫn có một đóa hoa tâm luôn nở mãi theo thời gian. Hiểu được vậy, chúng ta phải nỗ lực tinh tấn tu hành để hòa mình trong ánh sáng giác ngộ của chư Phật, chư Bồ tát.
Mùa xuân là mùa của một sức sống mới. Cây cỏ hoa lá khoác lên mình chiếc áo màu xanh mơn mởn, căng tràn nhựa sống. Đây là sự thay đổi tất nhiên của trời đất vạn vật. Hoa nở hoa tàn là sự chuyển biến xoay vần theo định luật vô thường của vũ trụ. Theo nhãn quan thông thường, chúng ta thường ưa thích cái đẹp của hoa lúc nở rộ nhưng lại nhàm chán khi hoa đã tàn phai. Dưới cái nhìn của người học Phật, phải thấy rằng, nếu chúng ta ưa thích cái nở đẹp của hoa, thì cũng phải trân trọng sự úa tàn của nó, bởi lẽ nếu không có tàn thì cũng chẳng có nở. Cái gì có đến thì sẽ có đi, có thành ắt có hoại, có sống tức là có chết.
“Hữu sanh hữu tử hữu luân hồi
Vô sanh vô diệt vô khứ lai”.
Chết để chuẩn bị bắt đầu cho một cuộc sống mới với hoàn cảnh y báo, chánh báo trang nghiêm hơn (nếu chúng ta tạo nhiều phước nghiệp), như mùa đông lá rụng để chuẩn bị chào đón một mùa xuân với sự sống mới, màu áo mới. Đây chính là thuyết “tái sinh” của Đạo Phật. Sự thay đổi đó, là sự thay đổi rất vi diệu. Cho nên, vô thường là một thực tại nhiệm mầu, đem lại nguồn sinh khí, sức sống hồi sinh cho cuộc đời. Không nhờ vô thường thì hoa chẳng nở, cây cỏ không đâm chồi nẩy lộc, trái đất cũng ngừng quay và trái tim này cũng ngừng đập. Hiểu theo nghĩa tích cực, vô thường là sự biến chuyển, vận hành của vạn vật, để tạo nên sự sống. Cho nên, vô thường tức là sự sống. Vì thế, ở trong sinh tử mà ngộ ra lý vô sinh bất tử, ngay nơi biến dịch của các pháp mà nhận ra chơn tâm tịch chiếu thường hằng, không động chuyển phan duyên theo trần cảnh bên ngoài. Đó là chỗ sống của người tu Phật.
Sự sống và chết cứ diễn tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cái thế giới mê vọng và đau khổ. Từ cõi vĩnh hằng vô tận, do đam mê chấp trước mà chúng ta có mặt trên cuộc đời này, nếm trải muôn vàn hệ lụy, khổ đau, buồn vui, sướng khổ, thịnh suy, đắc thất nơi thân và tâm. Từ đó, chúng ta mới thấm thía về bài học của cuộc đời vô thường biến đổi đầy nhiễu nhương.
Một đời người (đầy đủ trọn vẹn) phải trải qua các giai đoạn ấu niên, thiếu niên, thanh niên, trung niên, lão niên, rồi cuối cùng là chết để chuyển qua một kiếp sống khác. Tuổi trẻ thì hồn nhiên trong sáng, tràn trề sức sống với nhiều mơ ước hoài bão, kèm theo sự háo thắng, đua vui và bồng bột. Tuổi càng về già, con người ta trầm tĩnh, tinh tế, nhẹ nhàng hơn lúc nhỏ. Trải qua bao buồn vui, thương ghét, đắc thất, vinh nhục, hạnh phúc, khổ đau, tự cọ xát, chứng nghiệm vào cuộc đời, chúng ta gom góp cho mình những kinh nghiệm về cuộc sống nhân sinh, hiểu sâu sắc hơn về giá trị tinh thần trong đời sống tâm linh. Từ đó truyền lại cho con cháu, khuyến khích giới trẻ đến chùa học hiểu đạo lý, áp dụng tu hành để chuyển hóa bản thân, Phật hóa gia đình, xây dựng đất nước, xã hội giàu mạnh theo tinh thần từ bi, trí tuệ của Đạo Phật.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.
(Huyền Không)
Vị trí ngôi chùa trong đời sống cộng đồng làng xã, đất nước, dân tộc, quê hương, là giá trị của đạo đức tinh thần, nếp sống luân lý, là chỗ dựa tinh thần đạo lý vững chắc cho người dân, mang đậm tính nhân văn cao cả.
Trong một năm, thời khắc thiêng liêng, xúc cảm mạnh mẽ nhất là đêm giao thừa, thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, cảm xúc về tâm linh, đạo lý giữa cái cũ và cái mới. Đối với chư Phật, Bồ tát, Thánh Hiền, đối với ông bà, tổ tiên, các bậc tiền hiền, hậu hiền, anh linh chiến sĩ quên mình vì đất nước để bảo vệ non sông gấm vóc và mình dường như có sự giao cảm với nhau vào thời khắc đó. Đây là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa tâm linh của người Đông phương. Đó cũng là lúc gia đình sum vầy, đoàn tụ đầm ấm bên nhau, chào đón một năm mới đã đến.
Dân gian thường nói:
“Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Nền kinh tế đất nước ta tuy không giàu bằng các nước văn minh tiên tiến trên thế giới, nhưng có một truyền thống bản sắc văn hóa đạo đức dân tộc nghìn năm văn hiến, với quốc hồn quốc túy thiêng liêng của quê hương đất Tổ, con Hồng cháu Lạc, là tình thương nhân ái giữa bản thân mình với gia đình, làng xóm, tình yêu quê hương đất nước đậm đà, da diết. Dẫu cho bôn ba xuôi ngược với dòng đời nơi phương trời nào, giờ phút đó, chúng ta đều muốn được trở về bên ông bà cha mẹ, thắp lên bàn thờ Tổ tiên một nén hương lòng tưởng nhớ tri ân, trao tặng nhau những câu chúc tốt lành đầu xuân, trở về nguồn cội tìm lại chút hơi ấm năng lượng của tình thương gia đình đằm thắm, mà đôi khi chúng ta bỏ quên vì mãi chạy theo đồng tiền bát gạo trong cuộc sống mưu sinh nơi viễn xứ.
Khi đã học hiểu đạo lý, chúng ta cảm nhận sâu sắc về bản chất của cuộc đời, từ đó mới biết cách đối nhân xử thế, đắc nhân tâm. Tình thương nhân ái giữa người và người quan trọng hơn tiền bạc, của cải vật chất. Khi chúng ta làm được điều gì mang lại lợi ích cho ai, trong lòng mình cảm thấy hoan hỷ, thanh lương, mát mẻ. Chúng ta xây đắp hạnh phúc của mình bằng những việc làm lợi ích cho mọi người, lấy cái vui của người khác làm cái vui của mình, không chà đạp lên hạnh phúc của người khác để mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Đó là đạo lý, là đạo đức căn bản làm người.
Cuộc sống an vui đích thực không phải là sự tìm cầu, đuổi bắt mà biết dừng lại tâm dong ruổi, dành thời gian quay về tìm lại sự bình yên nơi tâm thức để biết được chân nghĩa của cuộc sống, ta là ai, là gì trong cuộc đời này? Hiểu được điều đó, chúng ta biết được cái nào là giả để không còn đam mê chấp trước, cái gì là thật phải cố công nhìn nhận cho tận mặt. Khi cái giả được phanh phui, đồng thời cái thật cũng sẽ thấu triệt. Như vậy, giữa cái thật và cái giả, cái chân và cái ngụy, giữa cõi bờ hư thực mà chúng ta khéo nhận ra, khéo sống lấy. Chính khi ấy, chân trời hạnh phúc vĩnh hằng được mở ra, mùa xuân vĩnh cửu miên trường hòa trong ánh đạo nhiệm mầu được hiển bày ngay thực tại. Hạnh phúc chân thật không thuộc về cảm giác, cảm thọ. Niềm vui đạo lý là cái mênh mông phi thời gian, vượt ngoài suy luận hiểu biết, là trạng thái bình an lành lặn của tâm hồn, không bị trói buộc bởi tập nhân phiền não, đó là Niết bàn (Nirvãna). Cái đó, tự mỗi chúng ta phải chiêm nghiệm, thực chứng bằng chính công phu tu tập nơi tự thân.
Một mùa xuân nữa lại về, mọi người trao tặng nhau những lời chúc tốt đẹp, may mắn, bình an phúc lạc hơn trong năm mới. Người học Phật chúng ta cũng chúc nhau bằng những lời đạo lý để nương đó tu tập trong năm mới được tinh tấn, dõng mãnh hơn, bớt những mê mờ tăm tối, không tạo nghiệp dữ, sống có lợi cho mình, cho người, xây dựng xã hội hướng về chân-thiện-mỹ. Kính chúc tất cả chúng ta an trú vững vàng trong đại dương chánh pháp, trưởng thành trong đạo lý, ngay nơi thường tục mà khuếch đại tự do, ở trong thói thường mà tìm ra lẽ sống đích thực, “hòa quang đồng trần” trong ánh sáng giác ngộ của mười phương chư Phật.

Nụ cười hoa bồ tát.


cslh6.gif
Một cõi nhân gian đã đến đi trong cuộc đời, lắng nghe hương thơm huyền thoại vẫn rộn ràng trong tâm. Hình ảnh một em bé cười rạng rỡ bên dòng sông, chạy nhảy trên cánh đồng, đưổi bướm, ngắm hoa, tạo nền cho bức tranh thật đẹp giữa các biến động của trời đất. Ôi nụ cười như một cánh hoa dung dị, ngây thơ nở trên đôi môi, vơi đi được bao ưu phiền của ngày tháng rong rêu, là phù vân của đợt sóng hay lượn sóng đời người hoặc của tâm non vùng vẫy trước cơn thịnh nộ đến từ nghiệp lực. Gọi tên em là gì, thì cũng chẳng nghĩa là gì, vì tên có được réo rắc gọi cũng chỉ là dán nhãn, giả danh trên vùng nhật nguyệt, với những sáng chiều, ngồi thênh thang trên cánh đồng lúa mát, thấy không gian mênh mông ... và vì em là vô tận trong một sát na, là huyền thoại ẩn mình trong thực tại, vì mỗi mỗi cử động cũng đủ làm xao xuyến cho sương khói rời tan, trơ trọi để cho giao thoa giữa hữu hạn trong vô hạn, hiện lên những nét đẹp, an bình, biến cõi hư không như môt tấm lòng .....
Bồ tát, em về mộng có hay
lơ thơ những gió với làn mây
vô thường, em ngự vào trong mộng
một cõi hư không, một tấm lòng
Một sớm mai cười nói, huyên thuyên giữa chợ đời, lòng vô vàn hoang vắng, chợt bắt gặp lại mảng phù du trôi nổi như thiên niên cũ, những đợt sóng dài lê thê, trân mình giữa ánh nắng gay gắt hay chiều mưa phiền muộn. Có ai hay, ai bắt được sóng tâm vào lúc nầy đây, để chỉ còn là ảo hoá, bước chân hoang dại, miên man tình tự của thiên nhiên. Đời sống là gì khi câu hỏi vẫn như tự nguồn khai sáng, lật lại hồ sơ của tâm, cảm nhận được trong mọi góc cạnh đời sống vẫn trùng trùng điệp khúc của hư vô, còn chăng là những cứ điểm không đến đi, chạm vào là bước vào bến bờ thanh tịnh, có tiếng cười nở rộn ràng dưới ánh ban mai.
Em cười hoa Bồ tát
nở giữa cõi nhân gian
ta, một người lãng tử
rong chơi, lời tâm niệm
sớm mai, hoa cười nói
chim hót trên cành cây
mang trong lòng hương gió
có tiếng chuông vọng về
bên ngọn đồi hư vọng
ta thầm hỏi sắc không
vào trong trái tim nhỏ
ngàn lối, ngộ ta bà
một mai, mở tâm hương
ta gọi thầm pháp giới
trong vô lượng hải hà
giữa trùng khơi, em ngự..
Em ngự giữa muôn trùng biển cát hay em nằm yên trên thung lủng hải hà của pháp giới, trên đỉnh đồi Vô Ưu, thanh tịnh buổi giao thời tịnh nhiễm vì có lúc thấy có vọng ngôn, làm xa cách giữa hai bờ thực tại, chân vọng, mà chiếc cầu sinh tử đã rút đi từ thưở nào, còn chăng cũng chỉ là một hạt mơ như hoa đốm giữa hư không, như sấm chớp lưng trời,. Ngàn năm qua hay mãi sau nầy, lá thu có rơi, cuồng phong có giận dữ, luân chuyển có vô cùng, nhưng tự gốc rễ của cây bồ đề tự tánh, vô ngôn vẫn còn mang mãi hình ảnh chân tình của Liên Hoa Thủ. Có phải sinh mệnh của bước chân đi đời người trong các nẻo, cũng cần phải mang theo hành trang vô tự, được cấu tạo bởi Từ bi và Trí tuệ. Sinh tử đã là hư ảo, thì đi đến về có phải cũng là những nối tiếp của nguyện lực hoặc bị vong thân trên bước đường réo gọi.... phù sinh.
đường biển rộng, rõ soi in chiếc bóng
nước từ nguồn, dấu cũ vẫn nguyên sơ
đã ngàn năm, phiêu dạt mọi chốn đời
ta đi nhặt lá thu vàng để đếm
cõi tử sinh, nối tiếp bước hành trình
từng lặng lẽ, giữa đời nghe thu sớm
quét lá vàng, ôm giấc mộng tung bay
còn lại chút, lòng son cho sen nở
ta dâng người khi gom đầy lá biếc
thu có về, đổ xuông trận thu phong
lời im lặng, ta hong từng lá mỏng
vẳng nghe tâm, vừa sáng giữa chợ đời
chân trời đó, là lắng lòng vô niệm
bầu bạn cùng nhật nguyệt lúc ưu tư
có ánh sáng rạng ngời từ suối ngọt
gió miên man, gọi đến cõi vô cùng
Ta từng chép lời Kinh đầy mái tóc
mở rộng đời cho ánh mắt vì sao*
đem khổ đau gửi vào chốn Kinh chiều*
đem ánh sáng, gọi tự tình Kinh sớm*
Ồ em, giữa cõi đời muôn hữu hạn
lấy Tâm kinh, tô vẽ nét môi em
ta chấm điểm, cho ngàn trùng biến động*
cho em cười, nụ bồ tát thơm ngon…
Để cảm niệm những người thực hiện hạnh lành
Nhân Ngày Bồ tát Quán Thế Âm, 19.09 Âm lịch
qua cái nhìn của tâm non….
Buổi sáng nay, mở tâm xem lại
thấy vô cùng có mặt, lúc “điểm tâm”…

cslh7.gif

Xuân trong nét đẹp người Tu



01.jpg
 
Nhân dịp đầu năm, đi chùa lễ Phật, nhìn thấy muôn hoa đua nở, vẻ đẹp tao nhã của thiên nhiên như lời chúc phúc tốt lành đến với tất cả mọi người.
 Một sức sống vui tươi vô cùng kỳ diệu khi nhìn cảnh sắc xinh tươi của "Mùa Xuân", tâm tình ai ai cũng cảm thấy phấn khởi và hoan hỷ đón mừng mùa xuân an lạc hạnh phúc, cát tường như ý. Hương xuân làm con người lạc quan yêu đời, cũng là thời gian mà người tu tâm dưỡng tánh có thể chuyển mình tự đứng lên, vượt thoát quá khứ nhiều phiền não, nhìn về tương lai đầy hứa hẹn.
 Đệ tử Phật gia ai ai cũng mong ước được vô lượng an lạc, vạn sự cát tường, Phật sự hanh thông, Phật đạo viên thành và đạt được mùa xuân miên viễn, như những lời chúc đầy đạo vị mỗi khi xuân về.
 Mong ước đạt được những điều chúc tụng đầy ý nghĩa trong dịp xuân về, người con Phật nên hiểu rõ ràng về giáo lý nhân quả và sự thực hành đúng chánh pháp, áp dụng giáo lý đạo Phật trong đời sống hằng ngày.
 Điều quan trọng vô cùng sâu sắc của Phật pháp, thể hiện qua giá trị nhân cách sống cao thượng chân chánh của người tu, đó chính là "Xuân trong nét đẹp của người tu", kết quả là sự an lạc cát tường như ý, không mong cầu cũng luôn luôn hiện hữu.
02.jpg

NÉT ĐẸP CỦA  NGƯỜI TU XUẤT GIA
Theo sự tích của Đức Phật, hình ảnh thanh tịnh, từ tốn, bước chân an lạc xuất trần của một vị Sa môn, cùng tấm áo cà sa đơn giản, đầu trần chân đất, cuộc sống ung dung tự tại đã làm Thái Tử Tất Đạt Đa xúc động. Xuất thân từ cung vàng điện ngọc, địa vị cao sang quyền quí tột đỉnh, nhưng cuộc sống của vị Sa môn Cồ Đàm đơn giản thuần khiết, cơ cực khổ hạnh thể hiện qua một con người siêu việt xuất thế. Đức Phật là nét đẹp đạo hạnh đầy đủ "Từ bi và Trí tuệ". Sự kính phục tuyệt đối của nhân loại về chân lý đạt đến cứu cánh giải thoát sanh tử, ngàn đời nay đến đời sau đối với Ngài là vô cùng vô tận.
 Sống trong giới pháp của Đức Phật, người tu xuất gia không phải bận rộn miếng cơm manh áo, không lo toan chuyện thị phi thế gian, là đang được hưởng gia tài của cha lành Thế Tôn để lại. Trên bước đường hành đạo, có nhiều chông gai trắc trở, đồng thời cũng có nhiều cám dỗ của vật chất danh lợi trong giai đoạn tự chế ngự bản thân, đó là thử thách, rèn luyện công phu tu tâm dưỡng tánh.
 Đối với mùa xuân mỗi năm qua mau, kiếp sống con người thật ngắn ngủi, nếp sống thanh tịnh trầm mặc của các vị tu sĩ là khép lại bớt lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
 Mắt: Không thấy vật chất là vĩnh cửu, là quí giá, cần nắm giữ cho riêng mình.
 Tai: Không nghe nhiều, không chấp vào tiếng khen chê, sanh tâm thương ghét phân biệt.
 Mũi: Không để cho mùi vị, hương lạ làm tâm tán loạn, sanh tâm mê đắm, thích hưởng thụ.
 Lưỡi: Không để cho cảm giác ngon dở, ưa thích sai khiến, tạo nghiệp chẳng lành.
 Thân: Không hơn thua, đẹp xấu phô trương, sanh lòng khinh mạn đua đòi.
 Ý: Không để cho ý sanh vọng tưởng điên đảo, tâm thức tán loạn sẽ rơi vào tội lỗi.
 Chứng thực cho sự giải thoát của con người, là được sống thảnh thơi trong an nhàn, tâm an tĩnh, trí sáng suốt, rời xa những bon chen, xô bồ của cuộc sống thường ngày, rời xa vòng danh lợi thế gian, thoát khỏi bể khổ trầm luân. Ấy chính là khi Tâm ta hoàn toàn an tĩnh.
 "Nét đẹp của người xuất gia" không phải là hình tướng khác thường bên ngoài, không phải mũ cao, áo thêu áo gấm, đủ màu đủ sắc. Xuân đối với người xuất gia là cái đẹp trong sáng ở nội tâm, khi Tâm thanh tịnh, rời xa được lòng tham lam, sân hận, si mê, nhân cách thuần hậu, nguyện đem lợi lạc cho mình cho người.
Tâm hạnh người xuất gia cao thượng chân thật vô ngã vị tha, ắt sẽ đạt đến Niết bàn vô lượng an lạc, đó là "Xuân trong nét đẹp của người tu xuất gia", cũng là giá trị hạnh phúc bất tận cho người tu ngay tại thế gian.
 03.jpg
NÉT ĐẸP CỦA NGƯỜI TU TẠI GIA
Đạo Phật không đòi hỏi mọi người đều phải lên Chùa để tu, cầu Kinh sớm hôm và hàng ngày phải ăn chay khổ hạnh hay buộc phải hoàn toàn cắt đứt tất cả tình thương với người thân, mới gọi là biết tu.
Ý nghĩa của chữ TU là tu tâm sửa tánh. Đức Phật dạy:
Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình.
Tự thắng tâm mình là điều cao quý nhất.

04.jpg
Khi những vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm đã dứt sạch, thì sẽ chế ngự được tham lam, sân hận, si mê. Kết quả thực tế, cũng là phần thưởng cho những cố gắng, nổ lực không ngừng của người tu tại gia, trước mắt là những  chuỗi ngày hạnh phúc, vui vẻ, đầy an lạc.
 Một người yếu đuối sợ khó khăn, tâm tánh ích kỷ, thích mơ mộng danh lợi, đòi hỏi nhiều về thú vui vật chất riêng bản thân, muốn một cuộc sống "tu tại gia" không dễ dàng thực hiện được. Một ví dụ, như làm cha mẹ muốn tu tại gia, vừa trách nhiệm lo miếng cơm manh áo cho gia đình, cho các con, lại còn phải hộ trì Tam Bảo, tu học Phật pháp, niệm Phật, ngồi thiền, tụng kinh, tự soi rọi thanh lọc tâm, không phải ai cũng làm được. Nếu thực hành vẹn toàn được công phu "tu tại gia", người tu luôn luôn chịu hy sinh rất nhiều cho riêng bản thân mình, tâm ý cao thượng khó làm khó thực hiện, nhưng đó chính là môi trường tu tâm dưỡng tánh tuyệt vời nhất.
 Người muốn tu, ở hoàn cảnh nào cũng tu được, nếu hiểu được cách tu theo lời Phật dạy, nghĩa là áp dụng tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả, khoan dung rộng lượng trong đối xử, biết tự kềm chế thú vui vật chất, mạnh dạn hy sinh lợi ích cá nhân, biết xả bỏ ích kỷ nhỏ nhen. Người tu tại gia tự độ và còn có thể độ được cho những người thân trong gia đình và làm tấm gương  cho con cháu noi theo. Sống biết đủ, không đòi hỏi nhiều, không bận rộn vào cuộc vui vô nghĩa, người "tu tại gia" sẽ có rất nhiều thời gian cho việc nghiên tầm kinh điển, tu học để khai sáng trí tuệ, trưởng dưỡng từ bi.
 "Nét đẹp của người tu tại gia" là cuộc sống chân thật hồn nhiên, một nhân cách trong sạch và một tâm Bồ Tát tại gia vô chấp vô phân biệt, vượt qua được hình tướng xuất gia, nhưng vẫn có thể thành tựu đạo nghiệp.
Người "tu tại gia" có thể đem lại cho mình, cho những người thân sống chung quanh sự bình yên tuyệt đối trong tâm hồn, sự thoải mái vô cùng qua cung cách cư xử trong từng cử chỉ, lời nói, việc làm cũng như ý nghĩ. Đó là ý nghĩa vi diệu tuyệt vời "Xuân trong nét đẹp người tu tại gia", ngay từ những điều vô cùng giản dị trong cuộc sống hằng ngày.
 Tóm lại, mùa xuân trong nét đẹp của người tu xuất gia hay tại gia là ở tâm hạnh của Bồ Tát, nhân cách nghiêm tịnh, giới đức khiêm cung. Được gần các "Bậc Thiện Nhân" con người sẽ cảm nhận vô lượng an lạc hạnh phúc, như được hưởng gió mát và ánh nắng ấm áp, đầy đạo vị của những cánh hoa xuân tươi đẹp.
 - Trang nghiêm giới hạnh, đó là thân đẹp.
- Ăn ở hiền hòa, thủy chung, đó là nết đẹp.
- Cư xử khiêm hạ, từ tốn, đó là cử chỉ đẹp.
- Giúp đỡ người bị nạn hay đói nghèo, đó là tấm lòng đẹp.
- Hiếu với cha mẹ, kính bậc hiền thánh, đó là tâm hồn đẹp.
- Gặp người đau khổ, sợ hãi, nói lời an ủi, đó là ngôn ngữ đẹp.
- Không khởi tà niệm, luôn chánh trực, đó là ý đẹp.
- Biết độ lượng, bao dung, đó là đức hạnh đẹp.
- Khai mở tâm trí, phá trừ vô minh, đó là trí tuệ đẹp.
- Đạt được giác ngộ và giải thoát, đó là nét đẹp tối thắng.
 Mùa xuân tuyệt đẹp với một tâm thức an bình tự tại, người biết tu hãy quay trở về nội tâm, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, trưởng dưỡng tâm từ bi, thấy được Phật tánh không sanh, không diệt của mình, để ngộ ra "ý xuân vi diệu" này.
 Có như vậy, ta mới có thể thanh thản sống đời, không tự ti cũng không tự tôn, với cái nhìn tự tại, vô úy giữa muôn sự có không, đúng sai, hơn thua, được mất, vinh nhục.
 Ở thế gian tất cả các pháp sanh diệt đều là vô thường.
"Mùa xuân trong nét đẹp người tu" mới thật sự đem lại thân tâm an lạc, phước trí trang nghiêm, tùy tâm mãn nguyện, vạn sự cát tường. []
 NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Chùa Quán Sứ



Vào đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369) tại làng Yên Tập, huyện Thọ Xương (kinh thành Thăng Long cũ), triều đình lập ra một khu nhà để đón tiếp sứ thần các nước như Chiêm Thành, Vạn Tượng, Nam Chương... và gọi là Quán Sứ.

Các sứ thần khi ấy hầu hết đều theo đạo Phật nên triều đình cho dựng luôn tại đó một ngôi chùa để các sứ thần tiện việc lễ Phật, cầu kinh. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15), chùa này được mang tên Quán Sứ. Hiện chùa ở số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, cũng là trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kiến trúc theo hình chữ Công, các lầu chính phụ đều có tam quan và 3 tầng mái, chùa Quán Sứ là ngôi chùa 2 tầng cao nhất và to nhất của miền Bắc. Điểm đặc biệt là tên chùa cũng như tất cả các câu đối trong chùa đều được ghi bằng chữ Quốc ngữ. Phía ngoài tam quan, cửa bên phải và bên trái có đắp nổi hai chữ "Cửa Pháp - Nhà Tăng", ngụ ý nói đến sự quy y của nhà Phật, quy y Pháp và quy y tăng. Qua cổng tam quan, bước qua 11 bậc thềm là vào tới chính điện, gian giữa có một hương án cao với các pho tượng Phật lớn được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Trong chính điện nổi bật 3 ngôi Tam thế và Tòa Cửu Long với chín con rồng đang phun nước tắm cho Thích Ca sơ sinh.

Sau chính điện có giảng đường dùng làm nơi giảng bài cho học viên Học viện Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là nơi các tín đồ Phật tử được nghe chú tăng, giảng pháp vào chủ nhật hàng tuần, tầng trên là Nhà thờ Tổ, thờ các vị từng là sư cụ trụ trì của chùa nay đã viên tịch (được xây dựng năm 1992).

Chùa Quán Sứ là nơi gắn với nhiều dấu mốc quan trọng của Phật giáo Việt Nam. Năm 1950, sau khi Đại hội Phật giáo
Thế giới được tổ chức tại Colombo (thủ đô Sri Lanka), chùa Quán Sứ được chọn là trụ sở Chi hội Phật giáo Thế giới tại Việt Nam. Năm 1980, sau Đại hội Phật giáo toàn quốc, chùa Quán Sứ trở thành trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo tại Hà Nội; Phân viện Nghiên cứu Phật học cũng được đặt tại đây. Chùa cũng là nơi đặt văn phòng Hội đồng trị sự, văn phòng Hội đồng chứng minh, phòng khách quốc tế và thư viện Phật giáo. Hiện các vị hòa thượng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các vị thượng tọa, đại đức, tăng ni của văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều làm việc tại đây. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Quán Sứ là trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc.

Hàng năm, chùa Quán Sứ thường xuyên đón tiếp các phái đoàn Phật giáo thế giới, các quan khách quốc tế, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đến thăm và làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đón các tín đồ phật tử, thiện nam tín nữ trong và ngoài nước tới chùa cầu kinh, lễ Phật... Ngoài ra, nhà chùa còn tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện giúp đỡ trẻ em khuyết tật, người già cô đơn ở Hà Nội và trên cả nước. Đặt chân vào khuôn viên nhà chùa ở 73 phố Quán Sứ, không khí ồn ã, náo nhiệt của cuộc sống phố phường dường như hoàn toàn nhường chỗ cho một không gian thanh bình, tĩnh lặng, khiến mỗi con người trở nên bao dung, thanh thản hơn.

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Lễ Hội Chùa Tam Thanh




Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp 15 tháng Giêng, nhân dân và du khách thập phương lại đổ về khu danh thắng Nhị-Tam Thanh (TP Lạng Sơn) trảy hội. Năm nay, với nhiều nét mới trong tổ chức phần lễ và phần hội, Lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo được “nâng tầm”, góp phần quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch của địa phương và các nét đẹp văn hoá dân tộc Xứ Lạng.


Lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo hướng tới việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và khách thập phương, đồng thời duy trì phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tôn vinh công lao to lớn của danh nhân Ngô Thì Sỹ đối với mảnh đất Xứ Lạng. Các nghi thức diễn ra trong lễ hội: rước kiệu, dâng hương, tế lễ, tụng kinh phật, đặc biệt phần rước kiệu Ngô Thì Sỹ từ chùa Tam Giáo sang chùa Tam Thanh, rồi từ chùa Tam Thanh sang lễ hội Lồng tồng (Khòn Lèng), được xây dựng kịch bản riêng... nhằm đảm bảo trang trọng, phản ánh đúng bản sắc văn hoá.

Lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng Giêng với nhiều nghi lễ đặc sắc: rước kiệu, thỉnh chuông-đánh trống khai hội, dâng hương, tế lễ trong chùa tại Cung Thánh Mẫu, tụng kinh Phật tại Cung Tam Bảo. Cùng với đó là các trò chơi dân gian, chương trình văn hoá văn nghệ: múa sư tử, hát dân ca... Đặc biệt năm nay, trong thời gian diễn ra lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo, nhân dân và du khách còn được tham dự Lễ hội văn hoá dân gian và ẩm thực Xứ Lạng tại Thành nhà Mạc, giới thiệu các món ăn truyền thống, các làn điệu then, sli, lượn, hát giao duyên của các dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn.

Với việc nâng cấp quy mô tổ chức và nhiều nét mới trong cả phần lễ và phần hội, Lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo dự kiến sẽ thu hút hàng ngàn lượt nhân dân và du khách tham dự. Chị Nguyễn Thu Thuỷ, một du khách đến từ Hà Nội cho hay: Năm nay, lên Lạng Sơn đúng vào dịp sát Rằm tháng Giêng, qua nghe giới thiệu, chị quyết định lưu lại để dự hội chùa Tam Thanh và thưởng thức các nét văn hoá đặc sắc của Xứ Lạng. Nối tiếp Lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo, trên địa bàn phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn trong ngày 16 tháng Giêng cũng diễn ra Lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) Khòn Lèng với nghi lễ tế thần nông, múa trầu, hát mời Nàng Tô Thị, dâng hương, động thổ xuống vườn đầu năm cùng các trò chơi dân gian, thi mâm cỗ đẹp... tạo nên một chuỗi lễ hội đặc sắc tại điểm di tích Nhị Tam Thanh-Thành nhà Mạc lâu nay nổi tiếng là những thắng cảnh bậc nhất của Lạng Sơn.

Vài Hình Ảnh Về Chùa Bái Đính







Chùa Bái Đính là một quần thể chùa nằm trên núi Đính ở xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Quần thể chùa này gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa Bái Đính là một siêu chùa thuộc khu di tích cố đô Hoa Lư[1], với nhiều kỷ lục được xác lập. Kiến trúc hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống của quần thể chùa này phù hợp với tâm lý hiếu kỳ, tò mò của người Việt hiện đại. Chính vì vậy mà nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng. Chùa Bái Đính được các báo giới tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á.


Ngay cả khi đang xây dựng, chùa Bái Đính đã thu hút rất đông du khách về thăm quan, chiêm bái[3]. Thông tin về khu chùa và các sự kiện liên tục được đăng tải trên báo chí với các chủ đề nóng như: Chuyện "không tin nổi" về ngôi chùa Bái Đính tráng lệ,[4]“Hạ Long trên cạn” và ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á,[5]chùa Bái Đính - Ngôi chùa sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam,[6]Bái Đính - “Lục nhất” Việt Nam,[7]Để chùa Bái Đính trở thành di sản văn hóa thế giới,[8]Chùa Bái Đính, công trình Phật giáo cấp quốc gia của VN,[9]Ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á đang được hoàn thiện,[10]Lên núi Bái Đính, xem chùa lớn nhất nước Nam,[11]Lễ rước ngọc xá lợi Phật lớn nhất VN,[12]Quốc vương Campuchia thăm chùa Bái Đính,[13] Chùm ảnh chùa Bái Đính tráng lệ,[14], Ùn ùn thăm chùa lớn nhất Đông Nam Á[15], Đầu năm, du khách mê mẩn Chùa Bái Đính

Khu chùa Bái Đính mới



Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha, nằm trên đồi Ba Rau, là khu di tích trấn ngự phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau. Kiến trúc chùa nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng nhưng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam (nhưng nhìn kỹ giống như chùa Nhật Bản hay Trung quốc với đặc điểm to, cao, hoành tráng) như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm... Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết trang chí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề nổi tiếng như đúc đồng Ý Yên, chế tạc đá Ninh Vân, mộc Phú Lộc, thêu Ninh Hải .v.v.


Lễ hội chùa Bái Đính.

Lễ hội chùa Bái Đính năm 2009.
Lễ hội chùa Bái Đính năm 2009.
Mùa xuân mới tràn về cũng là lúc trên đất Cố đô Hoa Lư, hàng triệu phật tử cả nước cùng du khách khắp thập phương lại nô nức trẩy hội chùa Bái Đính.







Chùa Bái Đính là một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính, xã Gia Sinh (Gia Viễn). Quần thể chùa này gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa Bái Đính thuộc Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, với nhiều kỷ lục được xác lâp bởi Trung tâm kỷ lục Việt Nam như: Khu chùa rộng nhất Việt Nam (107ha); Tượng phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (Tượng Phật Tổ Như Lai nặng 100 tấn, ba pho Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn); hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á (36 và 27 tấn); chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam (500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m); Khu chùa có giếng lớn nhất Việt Nam; số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam (100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ)...

500 vị La Hán bằng đá xanh cao khoảng 2m.
Ngày mồng sáu tháng giêng là ngày khai hội. Lễ hội trước kia chỉ kéo dài đến 1 tuần. Nay với sự quan tâm đầu tư cả nhà nước, khu chùa được mở rộng trở thành khu văn hóa tâm linh tầm cỡ, to đẹp và nổi tiếng, nên lễ hội chùa Bái Đính sẽ diễn ra trong suốt mùa xuân. Trước ngày mở hội và ngay cả trong thời gian đón tết, tất cả các động, chùa trên Khu núi Bái Đính đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả vùng quê chiêm trũng vốn thanh bình yên ả.


Phần lễ ở chùa Bái Đính diễn ra tương đối trang trọng vì ở đây không chỉ thờ các vị Sơn thần, Phật tổ, Bà chúa Thượng ngàn mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc với các danh nhân đức Thánh Nguyễn, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh. Vì vậy, phần lễ gồm tổng hòa hệ thống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho. Ngày hội, làng tổ chức rước thần từ động ra. Cờ trống đi trước, dàn nhạc bát âm kéo theo, trai thanh gái lịch phù kiệu, cụ ông cụ bà thành tâm tiễn thần, trang nghiêm mà sảng khoái.
Trong suốt những ngày hội là sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, là sự thành kính của các bậc cao niên, sự hoan hỷ mà các du khách, phật tử  ai ai cũng có phần riêng của mình. Cả ở những triền núi thấp cao, những rừng cây, rừng thuốc… là tấp nập, rộn ràng những đoàn người trẩy hội. Người đi ra đi vào, người đi lên đi xuống... tất cả đều hồ hởi, phấn khởi. Và khi họ gặp nhau, dù quen hay không quen cũng vui vẻ chào nhau bằng một lời chào: "Nam mô a di đà Phật" nhẹ nhàng, đằm thắm và ấm áp…


Núi Bái Đính đứng độc lập, sừng sững giữa vùng bán sơn địa, được tạo thành bởi hai dãy núi khép lại hình cánh cung và hướng về phía tây - tựa như tay ngai, mở ra một thung lũng rộng hơn 3 ha - gọi là Thung Chùa. Lên thăm hang động ở núi Bái Đính, du khách bước trên 300 bậc đá, càng lên cao không khí càng trong lành và thoáng mát, cảm thấy mọi lo toan trong cuộc sống đời thường dường như bị quên lãng. Giữa đường lên động có Hang Voi phục ở bên phải, hang thờ Đức Ông Mặt Đỏ, là người canh giữ khu chùa Bái Đính.

Theo lộ trình, du khách lên hết dốc là tới ngã ba: Bên phải là động thờ Phật, bên trái là động thờ Tiên. Bước khoảng vài chục bước chân, du khách sẽ phải sửng sốt đến kinh ngạc trước Động thờ Phật. Phía trên cửa động có 4 chữ đại tự khắc trên đá, có nghĩa là: “Lưu Danh Thơm Cảnh Đẹp”. Với sự hiện diện của các pho tượng uy nghiêm ẩn, hiện trong làn hương trầm đang lưu chuyển ở nơi động cao, du khách cảm nhận như lạc vào cõi tiên với những suy nghĩ kỳ bí, huyền diệu.

Ba pho Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn, dát vàng rất đẹp.
Cắm hương nhang, niệm điều tâm phúc xong, du khách đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối động sẽ dẫn tới một hang nhỏ hơn, đó là hang thờ Thần Cao Sơn - một vị tướng tài của Vua Hùng. Nếu du khách bước tiếp sẽ tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Tương truyền rằng đây là nơi có nhiều cây thuốc quý mà Thánh Nguyễn Minh Không thường xuống hái lượm mang về chế thuốc tiên. Hiện nay lá thuốc vẫn được người dân địa phương sử dụng làm dược liệu.


Trở lại ngã ba đầu dốc, du khách theo đường rẽ trái khoảng 50m là tới Động Tiên. Động Tiên lớn hơn động Phật nhiều lần, gồm 7 “buồng”,  tức là 7 hang, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hoá ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng lung linh huyền ảo.


Bà Chúa Thượng Ngàn được đặt thờ giữa hang chính với các tượng bằng đá được sơn son thiếp vàng. Xung quanh Chúa Thượng ngàn là rừng nhũ, rừng hoa nhũ đá đẹp mê hồn. Bằng sự tưởng tượng tinh tế, với một cái nhìn xa rộng, du khách có thể dễ dàng đặt tên cho từng cây nhũ, mỏm đá ở Động Tiên này. Mỗi nhũ đá, mỗi hòn đá trong Động Tiên là một kiệt tác của tạo hoá, là một tinh hoa của thời gian trên đá, và chỉ có “nước chảy, đá mòn” hàng ngàn vạn năm mới tạo nên những điều kì diệu đó.


Du khách đến lễ hội chùa Bái Đính sẽ cảm nhận được tình yêu thiên nhiên trong ngày hội lịch sử để từ đó hướng về quá khứ dựng nước của cha ông ở một làng quê chiêm trũng. Leo núi chơi hang, chơi động lý thú, được cùng du khách  tham gia và hưởng ứng, vì vậy mà leo núi Bái Đính dẫu có mệt, nhưng có cảnh có người và có không khí của ngày hội nên ai cũng cảm thấy thích thú với cuộc chơi sông núi của mình.


Cuộc hành hương về chùa Bái Đính tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn đến cái đẹp, cái thiện. Và sự kỳ vọng cái đẹp sẽ làm cho chúng ta thêm phần sảng khoái, thêm tin yêu cuộc đời này hơn, mỗi người sẽ tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn và hướng đến cái thiện. Các hoạt động trong những ngày lễ hội diễn ra sôi nổi với đấu vật, ném còn, đánh bài, kéo co, các trò chơi dân gian ngày Tết được đông đảo du khách hưởng ứng, diễn ra nhộn nhịp, sôi nổi.