Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Chùa Quán Sứ



Vào đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369) tại làng Yên Tập, huyện Thọ Xương (kinh thành Thăng Long cũ), triều đình lập ra một khu nhà để đón tiếp sứ thần các nước như Chiêm Thành, Vạn Tượng, Nam Chương... và gọi là Quán Sứ.

Các sứ thần khi ấy hầu hết đều theo đạo Phật nên triều đình cho dựng luôn tại đó một ngôi chùa để các sứ thần tiện việc lễ Phật, cầu kinh. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15), chùa này được mang tên Quán Sứ. Hiện chùa ở số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, cũng là trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kiến trúc theo hình chữ Công, các lầu chính phụ đều có tam quan và 3 tầng mái, chùa Quán Sứ là ngôi chùa 2 tầng cao nhất và to nhất của miền Bắc. Điểm đặc biệt là tên chùa cũng như tất cả các câu đối trong chùa đều được ghi bằng chữ Quốc ngữ. Phía ngoài tam quan, cửa bên phải và bên trái có đắp nổi hai chữ "Cửa Pháp - Nhà Tăng", ngụ ý nói đến sự quy y của nhà Phật, quy y Pháp và quy y tăng. Qua cổng tam quan, bước qua 11 bậc thềm là vào tới chính điện, gian giữa có một hương án cao với các pho tượng Phật lớn được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Trong chính điện nổi bật 3 ngôi Tam thế và Tòa Cửu Long với chín con rồng đang phun nước tắm cho Thích Ca sơ sinh.

Sau chính điện có giảng đường dùng làm nơi giảng bài cho học viên Học viện Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là nơi các tín đồ Phật tử được nghe chú tăng, giảng pháp vào chủ nhật hàng tuần, tầng trên là Nhà thờ Tổ, thờ các vị từng là sư cụ trụ trì của chùa nay đã viên tịch (được xây dựng năm 1992).

Chùa Quán Sứ là nơi gắn với nhiều dấu mốc quan trọng của Phật giáo Việt Nam. Năm 1950, sau khi Đại hội Phật giáo
Thế giới được tổ chức tại Colombo (thủ đô Sri Lanka), chùa Quán Sứ được chọn là trụ sở Chi hội Phật giáo Thế giới tại Việt Nam. Năm 1980, sau Đại hội Phật giáo toàn quốc, chùa Quán Sứ trở thành trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo tại Hà Nội; Phân viện Nghiên cứu Phật học cũng được đặt tại đây. Chùa cũng là nơi đặt văn phòng Hội đồng trị sự, văn phòng Hội đồng chứng minh, phòng khách quốc tế và thư viện Phật giáo. Hiện các vị hòa thượng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các vị thượng tọa, đại đức, tăng ni của văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều làm việc tại đây. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Quán Sứ là trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc.

Hàng năm, chùa Quán Sứ thường xuyên đón tiếp các phái đoàn Phật giáo thế giới, các quan khách quốc tế, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đến thăm và làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đón các tín đồ phật tử, thiện nam tín nữ trong và ngoài nước tới chùa cầu kinh, lễ Phật... Ngoài ra, nhà chùa còn tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện giúp đỡ trẻ em khuyết tật, người già cô đơn ở Hà Nội và trên cả nước. Đặt chân vào khuôn viên nhà chùa ở 73 phố Quán Sứ, không khí ồn ã, náo nhiệt của cuộc sống phố phường dường như hoàn toàn nhường chỗ cho một không gian thanh bình, tĩnh lặng, khiến mỗi con người trở nên bao dung, thanh thản hơn.

1 nhận xét: